Sự khác biệt của Gen Z khi đi làm việc

0
128

Khi cái tôi của gen Z làm ngộp thở những thế hệ trước

Gen Z đi làm có gì khác biệt mà phải mang ra bàn tán. Những mẩu chuyện nhỏ dưới đây sẽ giúp ta hình dung ra được bức tranh toàn cảnh của nhân sự thế hệ Z – nguồn nhân lực hiện tại của thời đại 4.0

1. Đốp chát với sếp từng lời một, không bao giờ cho rằng mình sai

Một nhân viên được tuyển vào vị trí Account của một công ty Marketing, 23 tuổi. Nhiệm vụ của anh ta là tìm kiếm, tư vấn khách hàng để đem job về cho công ty, ngoài ra còn giữ liên hệ, tạo kết nối với tệp khách hàng cũ. Ấn tượng của mọi người về thành viên mới này là giọng nói như cái loa phường, xa trăm mét vẫn nghe thấy. Dù anh hòa nhập rất nhanh, nhưng cách ăn nói bồ bã đã làm anh mất điểm trầm trọng.

Chưa hết, điều sốc nhất là trong cuộc họp đầu tiên, anh bác bỏ những ý kiến của những nhân viên có thâm niên lâu năm, dù bản thân chưa bước chân vào ngành event lần nào. Ngay cả với sếp lớn, anh cũng quát to “Anh sai rồi” để nhận xét về phương án sếp đề ra. Vẻ mặt của sếp lúc đó biến sắc hẳn, và chỉ cười trừ cho qua. Nhưng từ đó, nhân viên này được đà gây hấn với giám đốc kinh doanh, rồi giám đốc sản xuất, nhảy cả sang kế toán đến các nhân viên bộ phận design, sẵn sàng bác bỏ ý kiến của người khác nếu nghe không lọt tai.

Không bao lâu sau, người này nghỉ việc vì tìm được một “bến đỗ” mới với mức lương ổn hơn. Hi vọng là anh ta sẽ gắn bó được lâu dài với bên đấy.

2. Chẳng biết kinh nghiệm thế nào nhưng cứ “xẵng giọng” với người khác

Ở công ty nọ có một ứng viên có profile đỉnh cao, đúng kiểu con nhà người ta trong truyền thuyết. Vì lẽ đó, cậu được giao cho hẳn vị trí leader, dù mới tốt nghiệp. Tuy nhiên, tài cán thì chưa thấy đâu, nhưng cảm tình thì bị mất hẳn nhờ màn “thị uy quyền lực” của cậu ta ngay hôm đầu tiên đi làm.

Cậu ta đã nhận được bản kế hoạch của những dự án mà các team cùng nhau phối hợp thực hiện. Nhưng thay vì như vậy, cậu ta tự hủy bỏ những nỗ lực của các team khác và nói với những thành viên team mình phải sửa lại những thứ mà anh cho là lỗ hổng, không cần câu nệ hay hỏi han ai trước.

Tất nhiên, chẳng ai thích thú với việc làm này. Dần dần, anh ta nảy sinh mâu thuẫn với các trưởng bộ phận khác. Đỉnh điểm là thái độ ngang hàng với các nhân viên, leader đã từng làm lâu năm, dù bản thân mới ra trường, khiến anh mất điểm ban đầu với đồng nghiệp.

Cậu ta cũng góp ý cách làm việc của người này chưa ổn, cách làm việc của người kia không tốt ngay trước mặt họ dù bản thân không có bất cứ chuyên môn gì về lĩnh vực của team đó chỉ dựa vào việc làm leader thì có quyền “góp ý chân thành” như thế với nhân viên trong công ty. Nó có lẽ đã đi vượt quá giới hạn, vì những người cần nghe những lời đó chỉ nên thuộc phạm vi quản lý nhân sự của anh ta. Lâu dần, anh ta không thể hòa hợp được với ai khác vì tính ngạo mạn của mình ngoại trừ team của mình.

3. Tự tin quá đà vào thực lực bản thân

Lần này là câu chuyện của một ứng viên mới đi du học về nước. Dĩ nhiên cái mác du học luôn được xem là “ăn đứt” những người chỉ có bằng cử nhân trong nước. Cậu ta tự tin rằng những gì mình đã trải nghiệm suốt vài năm du học sẽ giúp cậu ta thành công hơn người khác.

Hàng loạt những màn khoe khoang về cuộc sống, phong cách sống cũng như môi trường học tập tại trời Tây được cậu ta dùng để bắt đầu công việc. Cậu ta mạnh dạn cho rằng kiến thức mình có sẽ thay thế được những nền tảng mà anh cho là lạc hậu, xưa cũ, chỉ có người Việt mới xài.
Trong các cuộc họp, cậu ta sẵn sàng lên tiếng bác bỏ những phương án được đề xuất thay vào đó là những hướng đi mới sặc mùi Tây phương cho cả công ty cùng nghe. Kết quả, cậu ta nín thinh suốt cuộc họp khi nghe sếp phán một câu: “Nếu em bắt người Việt Nam hằng ngày ăn cơm mà lập tức đòi họ ăn sandwich, phô mai mỗi ngày thì họ có chịu không? Mỗi nơi có 1 văn hóa khác nhau, đừng áp dụng quá nhiều kiến thức mang tính lý thuyết của em vào đây mà phải biết linh hoạt.”

Gen Z có lẽ là những thế hệ nhiệt huyết nhất và chủ động nhất. Nhưng mà một nhân viên bật sếp và đông nghiệp tanh tách, ngạo mạn luôn cho mình là đúng thì không phải là một nhân viên giỏi. Thế nên Gen Z ơi, nếu có đi làm thì làm ơn hãy biết tiết chế lại cảm xúc và cái tôi cá nhân. Thêm nữa, đã lỡ mở miệng nói thì cũng xin mở cả đôi tai để lắng nghe, mở trí óc để học hỏi thêm chứ đừng mãi ngồi ở đáy giếng rồi xem như mình đã thấu được cả trời cả đất! Chỉ thế thôi bạn cũng đã có cơ hội để thăng tiến trong sự nghiệp rồi.

(Nguồn: Kênh 14)