SINH VIÊN LÀM THÊM, ĐƯỢC VÀ MẤT ?

0
109
Chìa tay xin tiền bố mẹ mỗi cuối tháng, cuộc điện thoại về nhà trước là hỏi thăm, sau là xin thêm vài triệu tiền học, tiền sinh hoạt…, nhiều bạn cảm thấy như đang ăn bám bố mẹ.

Sinh viên sống xa nhà hẳn đã quen với cảnh phải chìa tay xin tiền bố mẹ mỗi cuối tháng, cuộc điện thoại về nhà trước là hỏi thăm, sau là xin thêm vài triệu tiền học, tiền sinh hoạt . Nhiều bạn cảm thấy thương bố mẹ tuổi đã cao mà vẫn phải chu cấp cho đứa con lớn tồng ngồng nên đã nghĩ đến việc đi làm thêm. Tuy nhiên, đây lại là là quyết định khiến nhiều bạn trẻ phải đau đầu, vắt óc suy nghĩ vì sợ bố mẹ phản đối việc đi làm thêm, và sợ ảnh hưởng đến việc học.

Hầu hết các bạn sinh viên đã từng phải suy nghĩ, cân nhắc xem có nên đi làm thêm khi còn đang học đại học hay không? Bởi đi làm thêm đối với sinh viên không chỉ vì yếu tố kinh tế mà còn rất nhiều các yếu tố khác tác động đến. 

 

Vậy sinh viên đi làm thêm được gì ?

1.Có thêm khoản thu nhập hàng tháng

Nó là điều có thể nhìn thấy rõ ràng, ngay cả khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì bạn có thể xin làm các công việc part-time tại các cửa hàng, công ty để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình, có thể mua sắm những thứ mà bạn thích đỡ phải chìa tay ra xin tiền bố mẹ, chưa kể nếu biết cách chi tiêu, bạn còn có thể tiết kiệm được một khoản kha khá.

 2.Rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian

 Không giống như người đi làm, vì là sinh viên làm thêm nên bạn phải tự biết quản lý thời gian của mình sao cho vừa hoàn thành tốt công việc làm thêm mà không ảnh hưởng đến việc học tập ở trường. Kỹ năng quản lý thời gian sẽ giúp bạn sắp xếp các công việc hợp lý theo một kế hoạch nhất định.

 3. Kinh nghiệm làm việc

Lợi ích quan trọng nhất của việc đi làm thêm là bạn vừa có thêm kinh nghiệm làm việc lại vừa được trả lương, một mũi tên trúng hai đích. Tại môi trường làm việc, bạn sẽ được đào tạo và hướng dẫn một cách bài bản, có cơ hội để vận dụng các kiến thức, kỹ năng được dạy trên ghế nhà trường, học cách làm quen với áp lực công việc để không còn bỡ ngỡ khi bắt đầu đi làm. Hơn nữa, các bạn sinh viên khi tìm việc làm thêm hầu như đều năng động hơn và chịu áp lực giỏi hơn.

Hơn nữa tại đây bạn sẽ có cơ hội để quan sát và xem xét cách mà một người quản lý giải quyết các công việc cũng như cách làm việc của họ với nhân viên như thế nào để có thể học hỏi và phát triển bản thân tốt hơn.

Đấy là còn chưa kể đến những kỹ năng, kinh nghiệm góp phần làm nổi bật CV của bạn. Khác biệt so với CV của các ứng viên khác, bạn sẽ được các nhà tuyển dụng chú ý hơn, đồng thời cơ hội để đi tiếp vào vòng trong sẽ càng cao hơn.

 4. Mở rộng các mối quan hệ

Khi đi làm thêm bạn sẽ có cơ hội được làm quen và làm việc với các đàn anh đàn chị có nhiều kinh nghiệm, bạn có thể học hỏi kinh nghiệm, thậm chí sau này có thể nhờ họ giúp đỡ trong việc tìm kiếm công việc tốt trong tương lai.

 5. Phát triển bản thân tốt 

 Làm thêm sẽ giúp bạn nhận thức được năng lực của bản thân trong môi trường thực tế, mạnh điểm nào và yếu điểm nào, để từ đó có thể phát huy các điểm mạnh cũng như khắc phục các điểm yếu của bản thân tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu, kỹ năng công việc đòi hỏi.

 

 Tại sao sinh viên Việt Nam không nên đi làm thêm?

Theo một vài khảo sát, đa 85% sinh viên Mỹ đi làm trong khi học đại học. Ở Châu Âu, con số này là 67% sinh viên. Tuy nhiên, ở Châu Á con số này chỉ là 30% hay ít hơn. Lý do tại sao sinh viên Châu Á lại có số sinh viên đi làm ít hơn phần lớn là do bố mẹ không muốn con cái họ phân tâm trong việc học hành. Vậy đối với Việt Nam nói riêng lý do sinh viên ít hoặc không nên đi làm thêm là gì?

Đối với các nước Châu Âu và Châu Mỹ việc đi làm thêm được họ rất quan tâm chú trọng, họ có những chế tài và quy định rõ ràng cụ thể. Vì vậy sinh viên có thể thoả sức làm thêm mà vẫn học tập và rút được ra nhiều kỹ năng và kinh nghiệm.

Nhưng đối với Việt Nam, những trung tâm giới thiệu việc làm thêm cho sinh viên chỉ chú trọng vào vấn đề kinh tế mà không nghĩ đến công việc đó sẽ mang lại lợi ích gì cho sinh viên. Nếu có chăng là những trung tâm gia sư, nhưng đã có biết bao vụ lừa đảo rồi ăn chặn tiền của sinh viên. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên Việt Nam ít có cơ hội tiếp xúc thực sự với những kinh nghiệm bổ ích cho việc học tập và làm việc của mình.

Đi làm thêm có thêm kinh nghiệm, nhưng liệu bán quần áo, rửa bát, bưng phở sẽ mang lại cho bạn kinh nghiệm gì? Kinh nghiệm không phải chỉ có va đập bên ngoài cuộc sống tạo ra, mà ngay khi trên ghế nhà trường các bạn đã được học rất nhiều kinh nghiệm từ những chuyến đi kiến tập, thực tập và thực hành trên lớp, các bạn còn quá trẻ để tìm kiếm kinh nghiệm trong cuộc sống.

Đi làm thêm, liệu bạn còn đủ sức khoẻ và sự tỉnh táo khi đối diện với các bài học, bài kiểm tra sau những ngày dài lao động mệt mỏi? Điều này không phải ai cũng làm được nếu không có ý chí và tính kỉ luật. Đã thấy nhiều trường hợp, sinh viên mải đi làm mà bỏ bê việc học phải thi lại vô số môn, mãi chẳng tốt nghiệp được. Họ nhận ra việc học không đem lại thu nhập cho mình như việc đi làm thêm, vậy thì việc gì phải tiếp tục đi học khi mình có thể đi làm kiếm tiền? Họ bị cám dỗ bởi ma lực đồng tiền, và cứ thế bỏ dở việc học.  Đó là điều mà bố mẹ và xã hội không hề mong muốn.

Tóm lại, sinh viên làm thêm được nhiều hơn mất, điều đó không thể phủ nhận. Nếu có thời gian và khả năng, đừng ngần ngại gì mà không kiếm việc làm thêm để vừa có thêm khoản thu nhập hàng tháng và lại được rèn luyện các kỹ năng công việc, để sau này ra trường đi làm bạn cũng đỡ bỡ ngỡ cũng như thích ứng nhanh với công việc hơn. Điều mà sinh viên cần lưu tâm là hãy ưu tiên những công việc mang lại lợi ích cho cho chuyên ngành của mình, có thể xin vào một cửa hàng sửa chữa máy tính nếu bạn học công nghệ thông tin hoặc làm cộng tác viên cho một tờ báo nếu bạn học chuyên ngành về báo chí.