Hai Lần Đổi Nghiệp

0
115

Tôi học đại học về Kinh Doanh. Lý do cho sự lựa chọn đó là: Mình không biết phải chọn cái gì khác. Khi mà mình không có chính kiến riêng, và không thật vững về cái mình muốn thì thường: Một là, mình đi theo cái nào dễ dàng nhất ngay trước mắt mình. Hai là, ai bảo gì thì mình nghe theo vậy, và cụ thể là nghe theo ba mẹ, thầy cô. Dù lý do của họ nhiều khi cũng vu vơ như là: “Con của cô A giỏi vậy, nó chọn Ngoại Thương đó, mày vô đó coi được không?”, thầy cô bảo: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Ngoại Thương. Sức học của em ổn, thi vô đó đi”.

Vậy là tôi vô Ngoại Thương học. Trong lớp, tôi nổi tiếng là hay đi trễ, hay ngủ gục, hay chơi game trong giờ học. Rồi, mình nghĩ là mình thích làm Marketing, muốn vô Unilever. Buồn cười lắm, hồi đó Unilver giống như là cái Ngoại Thương phiên bản sau Đại Học. Ai giỏi thì vào đó, vào đó thì là giỏi, rồi giàu, rồi có một cuộc sống ăn ngoan, mặc đẹp, du lịch đó đây hết sức fancy. 
Đó là chuẩn mực của sự thành công, hậu Đại Học.

Rồi, mắc cười là, lúc mà tụi mình chuẩn bị tốt nghiệp, lúc tôi đi làm bên Etown, Tân Bình. Có một hôm, cô bạn cấp 3 qua chơi, ăn trưa cùng. Cô bạn đó bảo tôi:

“Tui thấy sao mà như bị lừa vậy đó, MAD ơi!”
“…”
“Hồi mà mấy anh chị về trường hướng nghiệp đó. Mọi người nói về mấy công ty đa quốc gia, Marketing rồi PR sao mà màu hồng quá. Làm tui đâm đầu theo. Chứ nếu không có những phù hoa đó, giờ tui đi học Nông Lâm, giờ tui về làm kỹ sư trồng bông cho nhà tui”.

Ừ. Tôi thở dài nhìn bạn, tôi nghĩ bạn tôi sẽ là một kỹ sư nông lâm tuyệt vời. Sao mà tụi mình không nhận ra nhỉ, vào cái năm tụi mình 18 tuổi, rằng cái mình thích thật ra low-key vậy thôi. Nếu không có những điều phù hoa kia, có thể Đà Lạt đã có thêm một kỹ sư trẻ tâm huyết, và Sài Gòn bớt được một kẻ chán đời kêu than.

Nhưng mà mình đâu trách được ai cho sự lựa chọn của mình. Cũng không thể trách mình của cái năm 18, không biết làm gì hơn là nghe theo đám đông hoặc cha mẹ, thầy cô.

1.
Những ngày tôi 21, tôi nghe có câu thế này: “Có những người sống đến năm 50-60 tuổi, cũng không biết họ muốn làm nghề gì?”. Tôi của những ngày đó, đã nghĩ có thể tôi thuộc tuýp người như vậy. 
Không phải là tôi không có điều gì để thích. Chỉ là tôi có quá nhiều thứ tôi thích, tôi từng muốn làm Kiến Trúc Sư, rồi Đạo Diễn Điện Ảnh, rồi Hoạ Sĩ Truyện Tranh, rồi Tiểu Thuyết Gia, à cả có lúc muốn làm Marketer cho Unilever. Vậy mà chẳng thấy cái nào là gần gũi trong tầm với (Hình như lúc trước, tôi có đi phỏng vấn cho cả Unilever và P&G, và trượt cả hai).

Rồi, tôi nghĩ hay mình đi làm nghiên cứu, bắt nguồn từ lời bạn tôi bảo: “Tớ thấy cậu có tố chất của một người nghiên cứu. Cậu có xu hướng nhìn ra những quy luật”. Tôi chọn nghiên cứu bởi tôi nghĩ sự lặng lẽ của nó hợp với tôi, bởi tôi cũng thích tìm tòi, và bởi làm nghiên cứu thì dễ xin học bổng hơn.
Kinh Tế là cái ngã rẽ gần nhất với ngành Kinh Doanh tôi học, với cái xuất phát điểm từ Ngoại Thương tôi bước ra. 
Khi tìm hiểu rồi, tôi mới biết mình không hiểu gì về Kinh Tế suốt mấy năm qua. Và, tôi chắc nhiều người cũng không thật sự hiểu. Về sau này, lúc Kinh Doanh đã là quá khứ, khi tôi giới thiệu tôi đang học về Kinh Tế, nhiều người sẽ đáp: “Làm Kinh Tế chắc giàu lắm”. Tôi biết họ nhầm lần giữa Kinh Tế và Kinh Doanh.

Sự khác nhau là (không biết có đâu nói chưa, nên tôi xin nói theo cách hiểu của mình). Trong Kinh Doanh, mục tiêu là tối ưu hoá lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong Kinh Tế, mục tiêu là tối ưu hoá phúc lợi của xã hội. Tình cờ thay, dù có mục tiêu nhân văn là thế, Kinh Tế lại chọn giải quyết bằng mô hình toán học, và chọn đo lường giá trị bằng tiền. Chính thế, nó có sự tính toán và chút chiều hướng thực dụng. Và, đó hẳn là một ngành “bao đồng”, tối ưu phúc lợi xã hội, nó bao trùm lên cả Môi Trường, Thị Trường, Kinh Tế Học Hôn Nhân – Gia Đình, Kinh Tế Học trong Thể Thao, Bảo Tồn Nghệ Thuật.
Có một thầy từng bảo tôi rằng: Lúc Kinh Tế Học được đem sang Châu Á, người ta không biết dịch chữ Economics ra thể nào (có người bảo Eco trong Economics có gốc từ Eco-system nói lên sự bao trùm của nó), nên người ta dịch thành Kinh Tế, tức là Kinh (bang) Tế (thế). Không biết thật hay đùa. 
Nhưng càng học tôi càng thấy hợp, tôi cũng là kiểu người lỡ cỡ không hẳn Khoa Học Tự Nhiên, không hẳn Xã Hội – Nhân Văn. Tôi thích cái triết lý tối ưu hoá phúc lợi. Và, tôi quả cũng là kẻ bao đồng quan tâm nhiều thứ.

Tôi tin đó là sự lựa chọn của đời mình.
Đó là lần chuyển ngành đầu tiên.

Tôi nghĩ mình sẽ học, học hẳn lên Tiến Sĩ, sẽ có những nghiên cứu không cần Nobel, chỉ cần có ích, có ý nghĩa. Tôi nghĩ mình muốn thành một Giáo Sư để không bạn sinh viên nào ngủ gật trong giờ của tôi. 
Đơn giản vậy, rồi tôi miệt mài đi theo nó, miệt mài học trong 3 năm qua.

2.
Hai năm trước, tôi chuyển sang Pháp học. Dù năm đó, Prof của tôi đã offer học bổng để tôi học tiếp PhD (đó là lần offer đầu tiên), tôi lại chọn sang Pháp để bồi đắp thêm về Toán, lý do không phải bởi tôi thích Toán mà ngược lại bởi tôi sợ nó. Hơn ai hết, tôi cảm nhận được một lỗ hổng lớn trong kiến thức của mình, nó làm tôi thấy mông lung trước những mô hình khó, khiến tôi không tự tin vào những gì mình hiểu, khiến tôi không thể bảo vệ sắc sảo những điều mình tìm ra. Tôi không thể đi xa hơn và mang mãi nỗi sợ đó. Nên tôi đến Pháp, để đánh vật một lần rồi thôi từ này không thèm sợ nó nữa.

3 tháng đầu tiên ở Pháp như một cơn ác mộng. Tôi không hiểu vì sao nước Pháp lại khó để tôi thích nghi đến vậy, có lẽ vì tôi đến Pháp không biết chữ tiếng Pháp nào, ngoài Bonjours, Merci, Je t’aime. Và, vì tôi muốn “trầy vi tróc vẩy” mà, tôi được toại nguyện, vượt xa mong đợi.

Trên hành trình đó, tôi gặp những người nghiên cứu Kinh Tế, code rất giỏi bằng R, Stata, Python. Họ xử lý dữ liệu cực kỳ thuần thục, họ làm tất cả tự nhiên như hơi thở, dễ dàng như bước đi. Có lần, trong một tiết học, người hướng dẫn chúng tôi tải một bộ dữ liệu bất kỳ về, gõ code tách tách, rồi chỉ vài bước đã có một vài mảnh ghép nào đó của câu chuyện lộ ra từ bộ dữ liệu, từ những con số.

Tôi muốn được giỏi như vậy.

Tôi học trên Coursera. Dù có nhiều trang dạy code khác, nhưng họ đều có điểm chung là sợ người học nản, nên phải game-hoá việc học, làm cho nó đơn giản, màu mè và vui nhộn. Nhưng, như vậy không giống cách mà nó thực-sự-là trong cuộc sống. Việc học cần truyền cảm hứng, nhưng sự dễ dàng không thể nhầm lẫn thành cảm hứng. Sự dễ dàng khó có thể làm người ta giỏi lên. Coursera là nơi mà tôi thấy các khoá học, assignment đủ khó, đủ thách thức. Có những assignment về R khiến tôi thức trắng nhiều đêm để làm. Những đêm mà errors và bugs ở khắp nơi, theo cả vào giấc mơ của tôi.

Và, đó lại là phần quan trọng nhất trong nền tảng giáo dục tôi có được. Chính mấy khoá học trên Coursera đó khiến tôi trở thành tôi bây giờ. Tôi học về sự tự học, chỉ có tôi ở đó tìm tòi về vấn đề của tôi, tìm khắp các trang mạng, các diễn đàn, đọc đi đọc lại tài liệu. Để bây giờ, tôi tin mình có thể tự học mà không cần nhất thiết phải đến một trường lớp nào nữa. Những đêm dài debug và gặp 1.001 errors khác nhau, khiến giờ tôi hiểu ngôn ngữ lập trình R như người yêu của mình. Dường như lỗi nào xảy ra, tôi gần đây đều phát hiện được khá nhanh vấn đề nằm đâu.

3.
Tôi xin đi thực tập.

Như một bước đệm để chuẩn bị đi học PhD. Tất cả những đêm ngày mài dũa trước đó, tôi dành để biến tôi thành một nhà nghiên cứu kinh tế giỏi, thành một PhD đỡ chông chênh. Tôi không nghĩ nó sẽ biến tôi thành Data Analyst hay Scientist gì. Suốt 3 năm đó, tôi vẫn đã chỉ nghĩ mình sẽ đi học PhD tiếp.

Công ty cần những kỹ năng mà tôi chuẩn bị đó (dù rằng tôi đã chuẩn bị cho một mục đích khác).
Doanh nghiệp là một môi trường khác hẳn với Học Thuật. Những dự án phân tích và nghiên cứu nhanh trong vài tuần, vài tháng để đáp ứng guồng quay của doanh nghiệp. Những câu hỏi nhỏ những thiết thực. Những ứng dụng thấy được ngay đi vào trong production, trong chiến lược doanh nghiệp.
Tôi thấy program automation của mình được sử dụng để làm báo cáo, tôi ngồi code mô hình rủi ro để đưa vào hệ thống IT của công ty. Tất cả những điều đó rất cụ thể, rất rõ ràng, cho tôi cảm giác mình đang xây dựng. Ở đó, mỗi người đồng thời vừa vô danh, vừa là anh hùng. Như một bánh răng, ăn khớp với nhau, việc của người này ảnh hưởng đến người kia, nhưng cuối cùng là một thành quả của cả tập thể. Nó không có cái không khí khiến tôi sợ nhất khi theo Học Thuật: Sự Mơ Hồ, Hoài Nghi, và Cô Độc.

Tôi thay đổi con đường của mình lần thứ hai, khi đi làm trong công ty được 2 tháng và chỉ năm học tiếp theo, Prof đang mong tôi sang để làm PhD. Tôi đã từ chối lần thứ hai được offer. Thầy rất thất vọng, có lẽ thầy ngạc nhiên tôi thay lòng đổi dạ nhanh quá. Tôi cũng ngạc nhiên, 2.5 năm tôi đã nghĩ về nó mỗi ngày, rồi ở đoạn văn cuối của một chương dài vất vả, tôi biết mình thuộc về một điều khác. Tất cả bạn học và những ai theo dõi tôi những bước hành trình vừa qua, cũng không khỏi bất ngờ, vì tôi đã luôn nói về giấc mơ PhD của mình đầy quyết tâm, đầy thành khẩn.

Sự quyết tâm đó là thật. Sự thành khẩn đó là thật. 
Đã có một giai đoạn, tôi đã sống như thể đó là ý nghĩa cao lớn nhất trong đời. Nhưng không điều gì là không thể thay đổi hết.

Và, bạn có quyền thay đổi. Luôn luôn có quyền thay đổi.

Bạn có quyền hết yêu một người.
Có quyền không cần “thẳng”/“cong” như bạn luôn nghĩ về mình.
Có những lời hứa bạn được phép rút lại khi chúng không còn phù hợp. 
Và, có quyền thay đổi một giấc mơ đã luôn mang.

Tình cảm và sự kiến định của người thầy giúp đỡ tôi trong suốt 2 năm, suốt 2 lần liền offer cho tôi, là cái khiến tôi khó đưa ra quyết định nhất. Tôi biết mình đã làm một người thất vọng, dù đó là sự thất vọng khó tránh khỏi. 
Tôi biết mỗi một lần thay đổi giấc mơ như thế, sẽ luôn có nhiều hơn một người thất vọng, nhiều hơn một lời hứa sẽ thành ra dang dở. Đã có những nghiên cứu tôi ấp ủ, tôi kể với thầy, chúng sẽ dang dở. Có những lời hứa tôi hứa cùng bạn học sẽ viết bài nghiên cứu cùng nhau, chúng sẽ dang dở. Một giáo sư không làm sinh viên ngủ gật, tôi tự hứa với mình, có lẽ sẽ không là tôi.

Cũng như rất nhiều lần trước đó, những lần chuyển nghiệp nhỏ quá không đếm, đã có những thước phim tôi ước mình sẽ đạo diễn, những cuốn tiểu thuyết tôi từng kể với ai đó hăng say, những câu chuyện tôi nghĩ mình muốn vẽ, những giấc mơ về môi trường, về giáo dục. Rất nhiều điều tôi hứa đã thành ra xa xôi.

Nhiều năm trước, tôi đọc được một câu: “You could be anything, but not everything” (Tạm dịch: Bạn có thể làm bất kỳ điều gì, nhưng không phải mọi thứ). Lúc đó tôi chưa hiểu, giờ tôi mới thấy thấm. Có thể tôi đáng lẽ đã trở thành một nhà văn trẻ đáng chú ý, hoặc một giáo sư được sinh viên yêu mến, hoặc một marketer tạm được, nếu như mà tôi đã đi theo nó nhiệt tình và bền bỉ không đổi thay. 
Nhưng, tôi đã thay đổi, theo một cách lặng lẽ và tự nhiên hết sức, như là khi thời điểm cần thay đổi đến, tôi luôn biết mình muốn gì, chỉ là bước sang một lối mới và khẽ tự bảo mình: “Ờ, từ nay mình muốn đi bên này”. Chỉ rất đơn giản vậy thôi, và tôi mừng mình đã luôn chọn bước qua hướng khác, dù thế nghĩa là có những kinh tế gia, giáo sư, nghiên cứu sinh, tiểu thuyết gia mãi mãi không bước vào đời thực.

Nhưng mà không sao, tôi biết trong sự lựa chọn nào, tôi sẽ vẫn sống để được có ích, để tạo ra điều mình muốn, để mài dũa kỹ năng và kiến thức của mình. Như là cách đây vài tháng, khi ngồi trên tàu với một người bạn lâu năm, tôi đã nói về lần chuyển nghề thứ hai thế này:

“Bây giờ, em không cần gì nhiều hơn. Em chỉ muốn làm việc.”

Khi nhìn lại, tôi thấy cuộc sống thật kỳ diệu. Mọi thứ như một trò xếp gạch, mà viên này viên kia, viên trước viên sau ăn khớp nhau. Không có lần chuyển ngành đầu tiên, sẽ không có lần rẽ hướng thứ hai. Không có những lần bị từ chối, có lẽ tôi không biết có những thứ mình không thuộc về. Không có những điều bị bỏ lại dang dở, sẽ không có những bước tiến sắp tới.

Nguồn: Mai Anh D. Viết