Bí Quyết Mở Rộng Networking Từ Netfriending

0
250

Theo từ điển Oxford, Networking được định nghĩa là hệ thống các mối quan hệ có thể sẽ hữu ích cho công việc của bạn trong tương lai. Networking đóng một vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của mỗi chúng ta. Bởi lẽ chẳng phải ai cũng mạnh mẽ đến mức có thể giải quýêt mọi khó khăn một mình. Vào những thời điểm ấy, bạn luôn cần sự giúp đỡ từ người khác, nhưng nếu các mối quan hệ trong xã hội của bạn không tốt – bạn không quan tâm đến người khác khi họ gặp khó khăn, hay thậm chí là cô lập bản thân với cộng đồng thì làm sao mọi người có thể hay sẵn sàng giúp đỡ bạn được?! Đây là lý do vì sao chúng ta cần có những mối quan hệ trong cuộc sống và Networking ra đời đơn giản là vậy.

 

Những lầm tưởng về Networking

Hiện nay lại có rất nhiều lầm tưởng về Networing, khiến khái niệm này đôi khi trở thành nỗi ám ảnh đối với một số người.

Thứ nhất, quen biết rộng là Networking hiệu quả?

Dường như đây là ý tưởng đầu tiên hiện lên trong đầu mỗi người khi có ai đó nhắc đến Networking. Nhưng bạn có chắc rằng tất cả những người xung quanh mình đều luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn mỗi khi khó khăn, hay chỉ một vài người trong số đó?

Networking không đề cập đến số lượng người bạn quen biết trong xã hội mà chỉ ghi nhận những người ở bên bạn, lắng nghe, thấu hiểu và giúp đỡ mỗi khi bạn phải đối mặt với những vấp ngã trong cuộc đời. Họ là những người chân thành, không mưu toan khi đưa tay ra kéo bạn lên khỏi nhưng khó khăn ấy. Đó mới là một mô hình hoàn hảo cho một Networking lâu bền.

Thứ hai, chỉ Networking với những người làm “to”- những người chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho bạn?

Câu trả lời chắc chắn là không! Bởi lẽ, cho dù đối phương giàu hay nghèo đến đâu đi chăng nữa, thì chắc hẳn họ luôn có cái để có thể cho đi và chia sẻ với mọi người. Trong cuộc sống, bạn đừng nên quá tập trung vào những điều to lớn mà để mất những thứ giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Họ có thể nghèo và họ chẳng thể giúp bạn bằng những vật chất có giá trị như người giàu. Nhưng biết đâu, những câu chuyện nhỏ, những lời cổ vũ động viên hay một cái ôm tràn đầy tình thương lại giúp bạn vực dậy tinh thần sau những ngày mệt mỏi và áp lực.

Bên cạnh đó, chúng ta không thể phủ nhận tính “giàu có” của Networking. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta phải tìm đến những mối quan hệ mà nó có thể đem lại lợi ích cho bản thân mình. Mặc dù vậy, bạn hãy cứ bắt đầu bằng sự chân thành, họ giúp bạn lần này thì bạn chắc chắn sẽ trả ơn cho họ một cách sòng phẳng. Đừng nên đặt mối quan hệ của bạn với bất kỳ ai ở thế “xin-cho”, bởi chẳng ai muốn trở thành kẻ bị lợi dụng một cách công khai đâu!

Thứ ba, Networking không dành cho những người hướng nội?

Đây lại là một nhận định sai lầm của mọi người về Netwoking. Ai trong chúng ta đều cần những mối quan hệ xã hội và người nội cũng vậy.

Thậm chí, những người hướng nội còn có những mối quan hệ chân thành và gắn bó hơn bởi họ đủ kiên nhẫn, bình tĩnh với mọi người xung quanh để thấu hiểu những nỗi lòng của họ hơn là những người hướng ngoại. Họ có thể không quen biết nhiều người nhưng đó đều là những người sẵn sàng giúp đỡ và cũng họ đương đầu với khó khăn.

 

Netfriending

Như vậy thì mấu chốt của networking là netfriending. Netfriending không phổ biến bằng networking và mọi người thường bỏ qua điều này. Nhưng nếu bạn muốn xây dựng cho mình một mạng lưới những mối quan hệ xã hội thật hiệu quả thì hãy bắt đầu bằng netfriending. Cũng như khi trồng cây, bạn phải chăm sóc nó từ khi còn là những hạt mầm ngủ yên trong lòng đất, thì khi xây dựng networking, bạn phải bắt đầu với những mối quan hệ nhỏ nhất để lấy được lòng tin của đối phương, tức là bạn cần đi từ friending tới working.

Có một số cách đơn giản để bạn có thể bắt đầu netfriending của mình như:

Hãy rời mắt khỏi màn hình máy tính và tìm kiếm những người bạn thật ở xung quanh mình.

Bởi lẽ mọi liên hệ trên mạng xã hội đều là ảo. Networking chỉ cần những bạn thật sự-những người bạn chân thành và luôn ở cạnh bạn, chứ không phải hàng người bạn ảo mà bạn chưa từng nói chuyện.

Tập lắng nghe nhiều hơn.

Thay vì để mỗi bản thân mình được trải lòng thì hãy dành cơ hội cho những người khác nữa nhé! Hãy học cách lắng nghe những tâm sự của mọi người để có thể hiểu họ hơn cũng như xây dưng nền tảng vững chắc cho mối quan hệ của mình.

Hỏi thật nhiều.

Sau khi lắng nghe thì hãy đặt các câu hỏi cho đối phương. Bởi điều này khiến họ có cảm giác mình quan trọng và mình được quan tâm. Hơn nữa những câu hỏi như vậy cũng khơi gợi ra các điểm chung giữa hai người để các bạn có thêm chủ đề tán gẫu bên cạnh chuyện công việc.

Đề nghị giúp đỡ người khác.

Trước khi nhận sự giúp đỡ từ người khác hãy mở lời giúp đỡ đỡ trước khi họ gặp khó khăn. Bởi khi bạn thật lòng và tự nguyện giúp đỡ người khác thì tự nhiên họ cũng muốn đáp trả lại. Nếu việc đó nằm ngoài khả năng của bạn thì hãy trở thành cầu nối để kết nối giữa “người có” và “người cần”. Chỉ những hành động nhỏ nhặt như vậy thôi cũng sẽ khiến đối phương cảm thấy ấm lòng và tin tưởng bạn hơn.

Liên lạc thường xuyên.

Thay vì inbox hay viết lên “tường” để chúc mừng sinh nhật mỗi khi được Facebook nhắc thì hãy cùng nhau đi ăn vài món ngon, uống cafe và tán gẫu. Đó là một cách tuyệt vời để lấy được lòng tin và cảm tình của đối phương trước khi đề cập chuyện công việc.

Đừng đặt bất cứ mục tiêu nào gây áp lực lên bản thân.

Ví dụ như: “Trong năm nay mình phải quen được 2 người bạn làm kinh tế và 1 người bạn làm bác sĩ”. Hãy Netfriending bất cứ lúc nào, với bất cứ ai mà bạn cảm thấy thoải mái và gắn bó bởi biết đâu một ngày nào đó họ sẽ giúp đỡ bạn trong những hoàn cảnh không ngờ.

 

Kết lại thì bạn chỉ cần nhớ duy nhất một điều để xây dựng cho mình một hệ thống Networking hiệu quả: Hãy kết bạn trước khi tìm đối tác. Hãy bắt đầu bằng sự chân thành và tin tưởng. Rất đơn giản phải không nào!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here